Một số nhận xét Chiếc thuyền ngoài xa

…Vậy nên, có thể nói hình tượng "chiếc thuyền ngoài xa" đích thực là một ẩn dụ nghệ thuật hoàn toàn có dụng ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Giải mã hình tượng ẩn dụ đó, người đọc sẽ nhận ra một thông điệp mà nhà văn muốn truyền đi, rằng cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.[6]
…Trong truyện ngắn tuyệt vời của Nguyễn Minh Châu, một người chụp ảnh lịch năng nổ và mệt mỏi vì công việc, nhận thêm một việc rõ ràng là bất khả: chộp cho được bí ẩn của màn sương mù dâng lên trên mặt nước trong một tấm ảnh có phần hoàn chỉnh… Cuối cùng anh đã thành công với một bức ảnh như vậy, chỉ để nhận ra hàng triệu người ca tụng vẻ đẹp tác phẩm của anh sẽ không bao giờ biết được sự tàn ác và nét xấu xa thực sự của con người mà anh đã chụp ảnh – một ngư dân dã man hay đánh đập vợ và người vợ nô tì của ông ta. Trong tay của một nhà văn kém cỏi, một truyện ngắn như vậy thật nhạt nhẽo, nhưng ở đây bức ảnh trở nên in dấu sâu đậm trong tâm khảm chúng ta đến mức tác phẩm vang vọng với ý nghĩa thật mới mẻ thật lâu sau khi đọc.[7]
…Trước đây, trong Trăng sáng, Nam Cao đã nêu quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của mình: nhà văn phải thấy rằng dưới cõi nhân gian mà ánh trăng đang bao phủ ruột nà, nơi người nghệ sĩ mặc sức cho trí tưởng tượng của mình bay bổng là bao cuộc đời cực nhục, vất vả. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa có thể coi như là một sự minh họa tiếp tục cho quan điểm ấy. Việc chứng kiến cảnh một người chồng vũ phu đánh đập dã man vợ mình, còn người đàn bà đó hoàn toàn chấp nhận và chịu đựng quả là một nghịch cảnh đối với tất cả những gì trước đó người phóng viên được nhìn thấy. Tình huống càng trở nên "đắt giá" hơn khi người phóng viên hiểu được cái lý do sâu xa khiến cho cuộc sống vợ chồng của những người ngư dân này luôn luôn là như vậy: những ngưởi đàn bà sống trên thuyền không thể thiếu chỗ dựa là đàn ông, còn việc người đàn ông thỉnh thoảng lôi vợ vào chỗ vắng người mà đánh chẳng qua cũng chỉ để giải tỏa nỗi ức chế vì cảnh đông con bắt đắc dĩ và sự nghèo khổ triền miên của cuộc đời mình. Tình huống đó đã buộc người phóng viên phải thay đổi quan điểm về đối tượng nghệ thuật...[8]
...Chiếc thuyền ngoài xa là những suy nghĩ da diết về chân lý nghệ thuật và đời sống. Chính khát vọng muốn tìm đến cái đẹp hài hòa, muốn làm cho con người hạnh phúc nhiều khi đã đưa người ta đến chỗ đơn giản hóa, không nhận ra cái thực tế khắc nghiệt, hoặc nói như Ăng-ghen là một thứ chủ nghĩa lãng mạn, vị trí lý tưởng mà quên mất hiện thực. Đó là bài học của người nghệ sĩ nhiếp ảnh...[9]